Nhiệt liệt chào mừng Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030!

Các tiềm năng thế mạnh của xã trong phát triển Kinh tế- Văn hóa- Xã hội

Qua khảo sát, Ban Quản lý Công viên địa chất Đắk Nông đã lựa chọn xã Nâm N’Đir làm hạt nhân để phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên tuyến du lịch “ Trường ca của Lửa và Nước” trong vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, căn cứ trên các tiềm năng sau:

- Về kết nối tuyến, điểm với các địa phương khác:

Xã Nâm N’Đir nằm trên QL28 - trục Quốc lộ huyết mạch dọc theo cánh Đông, được quy hoạch là tuyến du lịch chủ đạo của tỉnh Đắk Nông.

Theo Báo cáo “Thực trạng, phương án phát triển và tổ chức không gian phát triển kinh tế xã hội, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội trên địa bàn huyện Krông Nô thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Nông, đây sẽ là địa phương có lợi thế về giao thông đường bộ (định hướng đến năm 2030 sẽ có đường cao tốc Bắc – Nam phía Tây, theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ và đường sắt theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ); lợi thế về đường thủy (sông Krông Nô), cách sân bay Buôn Ma Thuột 60km. Xã Nâm N’Đir cũng rất thuận lợi để liên kết tour, tuyến với các khu/điểm du lịch đã được quy hoạch của tỉnh Đắk Nông như dãy Nâm Nung, hồ Đắk Năng, núi lửa Nâm Blang và hệ thống hang động, núi lửa Nâm Kar...

- Sự hấp dẫn về địa chất:

Xã Nâm N’Đir, huyện Krông Nô là địa bàn có nhiều điểm địa chất có cảnh quan đẹp, mang tính giáo dục cao, rất thuận lợi cho việc giáo dục về Khoa học Trái Đất theo tiêu chí của Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu như:

a.     Hồ sen hồng:

Vị trị tại thôn Nam Ninh, xã Nâm N’Đir. Hồ có hình móng ngựa, là một khúc uốn cong của dòng sông cổ của 2 sông Krông Nô tạo nên. Đầm Sen Hồng là hồ tự nhiên, được thành tạo trong thời gian khoảng 300.000 năm trở lại đây, do sự hoạt động xâm thực ngang của sông Krông Nô. Khi sông ở giai đoạn trưởng thành/ hoàn thiện đã tạo nên khúc uốn cong với phần lồi hướng về phía đông khúc uốn. Sau đó, sông trẻ hóa trở lại và dòng chảy có năng lượng lớn đã cắt thẳng và để lại hồ móng ngựa như ngày nay. Đầm Sen Hồng là một thí dụ về hồ được hình thành do quá trình địa mạo, tức là hoạt động xâm thực ngang của lòng sông đã kết thúc một giai đoạn hoạt động của một khúc uốn (khúc uốn hoàn thiện) và bắt đầu chuyển sang giai đoạn sau tạo nên một khúc uốn mới. Đầm Sen Hồng nằm gần với hệ thống hang động của núi lửa Chư B’Luk, Đồng bằng Nâm N’Đir và bề mặt san bằng cổ (lộ đá cổ hệ tầng La Ngà) và bề mặt san bằng cổ bị phủ bởi lớp vỏ phong hóa basalt, làm tăng giá trị du lịch cho khu vực Krông Nô. Là giáo cụ trực quan thiên tạo sinh động để giảng dạy về các giai đoạn hoạt động của sông, cũng như quá trình hình thành các hồ móng ngựa được thành tạo từ sông.

 
Anh-tin-bai

 Cảnh Hồ sen xã Nâm N’Đir

b. Hồ tự nhiên Ea Snô: Hồ Ea Snô là hồ tự nhiên, được thành tạo trong thời gian rất trẻ khoảng 300.000 năm trở lại đây, do sự hoạt động của núi lửa Chư B’luk (pha sau). Sự có mặt của hai dòng chảy lớn (suối Đăk Rồ và Đăk Hou) chảy vào hồ là một dạng hồ độc đáo ở Krông Nô. Hồ Ea Snô là một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú với diện tích mặt hồ rộng hơn 80ha. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, mặt hồ tựa chiếc gương bạc khổng lồ lấp lánh. Bao quanh mặt hồ lấp lánh ấy là một màu xanh ngút ngàn của những ngọn đồi nhấp nhô, bóng xa xa là núi rừng hùng vĩ. Xung quanh hồ là những cánh rừng đặc dụng với nhiều loại cây, loài thú hiếm như: rắn, ba ba, khỉ, nai, heo rừng, trăn,… Nhờ diện tích mặt hồ rộng nên hồ Ea Snô có một hệ sinh thái rất phong phú và đa dạng, với các loài động vật như: tôm, tép, cua, cá, ốc, ba ba… Thắng cảnh nơi đây được gắn liền với những truyền thuyết dân gian, những phong tục tập quán, những luật tục và cả những giá trị truyền thống của cư dân bản địa. Hồ tự nhiên Ea Snô nằm rất gần với hệ thống hang động của núi lửa Chư B’luk, đồng bằng Buôn Choa’h và thác Gia Long, thác Đray Sáp càng làm tăng giá trị du lịch ở khu vực Krông Nô. Hồ Ea Snô có cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và còn nguyên sơ, chưa bị tác động bởi nhân sinh, không khí luôn trong lành. Đây sẽ là điểm du lịch sinh thái nằm trong khu khai thác du lịch trọng điểm của CVĐC Đăk Nông.

 

Anh-tin-bai
Hồ tự nhiên Ea Snô

 

c. Thung lũng mặt trời mọc (Tiếng M’nông: Rdung luh Nar, nghĩa là: Thần Mặt trời thức giấc): Vị trí quan sát cảnh quan di sản địa mạo này nằm ở đoạn đường đèo trên trục QL48. Dải núi có phương TB - ĐN được cấu tạo bởi hai phần: phần dưới là trầm tích cát bột kết của hệ tầng La Ngà, phía trên phủ lớp mỏng basalt phong hóa mầu nâu đỏ thuộc hệ tầng Túc Trưng. Dải núi này ngăn cách hai dải đồng bằng hẹp cùng phương, trải dài hơn 5km ra đến tận sông Krông Nô. Ngoài ra nhìn về phía bắc có thấy 3 quan sát rất rõ cảnh quan cao nguyên basalt của vùng Nâm N’Dir. Ở ngay trên đỉnh đèo có thể nhìn về các phía với những cảnh quan địa mạo vừa nói ở trên: Mảng bề mặt san bằng, dải trũng hẹp tích tụ Đệ tứ, dải núi kéo dài phương TB - ĐN, và quan sát được cả đứt gãy chạy sát chân sườn núi với những “facet” (mặt uốn lượn) phản ánh tính chất trượt bằng thuận của đứt gãy.

 

Ngoài ra, vị trí xã Nâm N’Đir còn thuận tiện để kết nối với các điểm di sản địa chất ở các xã lân cận trong huyện như núi lửa Nâm Blang, cánh đồng dung nham … tạo nên quần thể di sản có giá trị, hấp dẫn khách tham quan. Núi lửa Nâm Blang là điểm đến để nghiên cứu, học tập về cơ chế hình thành, đặc điểm địa chất thành tạo cũng như cơ chế các kiểu cấu tạo đá (pahoehoe, giả cầu gối, dạng cột, thủy tinh núi lửa, tương tác dòng dung nham với trầm tích nhão…), khuôn cây; thành phần vật chất của núi lửa, khoáng sản…; du lịch thưởng ngoạn cảnh quan núi lửa; du lịch trải nghiệm… .

- Sự hấp dẫn về văn hóa:Xã Nâm N’Đir là địa bàn cư trú của 10 cộng đồng dân tộc (dân tộc Kinh, Dao, M nông, ÊĐê, Sán chỉ, Mường, Thái, Hoa, Tày và Nùng). Trong đó, đa số là dân tộc Dao (với 968 hộ/5030 khẩu). Cộng đồng các dân tộc còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, giàu bản sắc, được biểu hiện trong mọi mặt của đời sống hàng ngày từ trang phục, nhà ở, ẩm thực đến lao động sản xuất và các nghi thức, lễ hội.

Hiện tại, xã Nâm N’Đir có nghề thủ công truyền thống là nghề dệt thổ cẩm với sản phẩm là chăn, gối, địu, quần áo, khăn, túi thổ cẩm… nên rất phù hợp cho việc gắn kết với hoạt động du lịch cộng đồng. Đây cũng là những yếu tố văn hóa  quan trọng để xây dựng các sản phẩm du lịch/trải nghiệm tại địa phương.

Hiện tại, xã Nâm N’Đir có một đội văn nghệ quần chúng có thể trình diễn để phục vụ các đoàn khách tham quan. Tuy nhiên, nếu muốn đẩy mạnh hơn nữa các trải nghiệm về nghệ thuật dân gian, có thể phối hợp với đội cồng chiêng M’nông ở xã Nâm Nung (cách thôn Quảng Hà khoảng 20km).

Anh-tin-bai

- Về nghi lễ cấp sắc:

Người Dao ở thôn Quảng Hà, xã Nâm D’nir còn bảo tồn nhiều phong tục tập quán truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ chu kỳ đời người, trong đó có lễ cấp sắc. Lễ cấp sắc là nghi lễ quan trọng, công nhận sự trưởng thành đối với người đàn ông ở tất cả các ngành Dao. Trong lễ cấp sắc, người thụ lễ được đặt pháp danh (tên âm). Sau khi trải qua nghi lễ này, người đàn ông Dao được công nhận là con cháu Bàn Vương, được trao quyền làm thầy, được cấp âm binh và được thờ cúng tổ tiên.

Theo tiếng địa phương, cấp sắc được gọi là quá tang hay quá tăng. Quá nghĩa là từng trải hoặc qua thử thách; tang là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng. Bởi vậy, quá tang nghĩa là trải qua lễ soi đèn, xuất phát từ việc thắp đèn soi sáng người thụ lễ khi làm lễ cấp sắc. Ngoài ra còn có các tên gọi khác như: say cháy, chay thầy xấy hay phùn voòng có nghĩa là soi đèn hay thụ đèn; tạt phat búa (lễ đặt pháp danh) hay chấu đàng (lễ cúng ông tổ người Dao); tẩu sai (lễ cấp chứng chỉ để làm thầy cúng); chẩu lung hìn (lễ cầu phúc cho dòng họ); mài sai tía (có thầy cúng đỡ đầu); chẩu tôm lung hìn (lễ cầu phúc lớn); lễ cấp tinh, lập tịch, cấp phép hay cấp pháp.

Lễ cấp sắc thường tổ chức cho con trai từ 10 tuổi trở lên và thực hiện vào thời gian nông nhàn. Để chuẩn bị lễ cấp sắc, gia đình phải nuôi lợn, tích lương thực, thực phẩm, vàng mã và các thứ khác để làm lễ và cỗ mời bà con, họ hàng...

- Di chỉ khảo cổ thôn Quảng Hà

Di tích Quảng Hà phân bố trên một gò đất nổi giữa Sình 25 (hay còn gọi là Sình Đắk Ghềnh thuộc khu vực cánh đồng lúa phía đông thôn Quảng Hà. Kết quả thám sát, khai quật khẩn cấp minh chứng sự tồn tại của một cộng đồng cư dân thời sơ sử trên những ngọn đồi thấp nổi giữa khu vực cánh đồng trũng Sình 25 ven dòng Krông Nô. Các cư dân Quảng Hà cổ cư trú, chế tác công cụ bằng đồ đá và đất nung tại chỗ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường nhật và khai thác tài nguyên khu vực xung quanh. Di tích Quảng Hà là di tích ngoài trời có mật độ di vật gốm đất nung lớn nhất được phát hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông với hơn 6.000 đơn vị hiện vật thu thập trong hố thám sát rộng 6m2 . Đồ gốm đất nung di tích Quảng Hà đa dạng, phong phú, phản ánh kỹ thuật chế tác, tư duy thẩm mỹ và đời sống thường nhật của cư dân cổ nơi đây. Đồ gốm Quảng Hà phản ánh đặc trưng của đồ gốm thời Kim khí, khoảng 3.500 - 2.500 năm cách ngày nay. Bằng phương pháp so sánh loại hình hiện vật giữa công cụ lao động bằng đá, đồ gốm đất nung và đặc biệt sự hiện diện mảnh rỉ đồng trong tầng văn hóa, bước đầu cho thấy sự tương đồng nhất định và mối liên hệ giữa cư dân Quảng Hà cổ với cư dân hang 6-1 (lớp trên) và các cư dân giai đoạn Hậu kỳ Đá mới - Sơ kỳ kim khí trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng, khu vực Nam Tây Nguyên nói chung.

- Về y học cổ truyền:

Đồng bào Dao tại địa phương còn lưu giữ các tri thức phong phú về y học dân tộc. Mỗi khi trong thôn có ai ốm đau đều tự chữa cho nhau bằng cây thuốc mọc tự nhiên. Các loại thuốc nam của người Dao khá đa dạng. Các vị thuốc này ít khi trồng sẵn mà được bà con hái trong rừng, trên vách đá, bên bờ khe suối, có loại lấy lá, loại lấy vỏ, quả. Thường chia thành các loại: thuốc bổ, thuốc tắm, thuốc trị bệnh... Có vị thuốc sắc để chữa đường ruột, đau xương, có vị đun lấy nước tắm gội chữa các bệnh ngứa, lở loét.

 
Anh-tin-bai

- Sự hấp dẫn về văn hóa ẩm thực truyền thống: Ẩm thực truyền thống của đồng bào dân tộc Dao đa dạng, phong phú, cả trong cách thức lựa chọn nguyên liệu, chế biến và thưởng thức. Đến với ẩm thực trong mô hình du lịch cộng đồng xã Nâm N’Đir, du khách có cơ hội thưởng thức các món ăn giản dị mà độc đáo của đồng bào dân tộc Dao như bánh gù, thịt luộc, các món thịt sấy khô, ướp chua, canh măng chua và các món thịt hun khói, cá nướng ăn kèm với xôi ngũ sắc… Các món ăn truyền thống của người Dao không chỉ là thức ăn đơn thuần chỉ để no bụng, mà mỗi món như được chế biến như một vị thuốc, có tác dụng riêng đối với sức khỏe con người.

  
Anh-tin-bai

- Sự hấp dẫn về đa dạng sinh học:Xã Nâm N’Đir có nhiều vườn cây ăn trái như quýt, bưởi, chuối..., cây ngắn ngày như lúa, bắp, đậu, khoai lang... cây công nghiệp như cà phê, tiêu, điều, nhiều loại dâu tằm, thảo dược... được chuyên canh thành từng khu vực, góp phần tạo lợi thế cho địa phương phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái như tham quan các vườn cây, tìm hiểu quy trình trồng, thu hoạch và chế biến sau thu hoạch; thưởng thức nông sản tại vườn; homestay sinh thái... 

Lịch làm việc
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
image banner
ipv6 ready