Sàn thương mại điện tử (TMĐT) hiểu đơn giản chính là các chợ hoạt động trên mạng, trên môi trường điện tử. Vì vậy, sàn TMĐT cũng có gian hàng, có chủ hàng,hàng hóa đa dạng, giá cả công khai, hàng trăm người bán, hàng triệu người mua, có người quản lý chợ (là các đơn vị kinh doanh nền tảng), có giao dịch mua bán, có thanh toán trả tiền, có giao hàng nhận hàng.
Các trang điện tử như: Shopee, Tiki, Sendo, ... mà chúng ta thường thấy trên các quảng cáo truyền hình chính là các sàn TMĐT.
Việt Nam cũng có các sàn TMĐT thuần Việt, tức là do doanh nghiệp Việt Nam xây dựng, quản lý, đang hàng ngày phục vụ cho người Việt mua bán online, đang giúpngười dân Việt, bà con nông dân Việt tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra.
Lợi ích/Xưa-nay:
Mỗi người dân đều có thể dễ dàng tiến hành mua bán, giao dịch con gà, quả trứng, mớ rau, chai nước mắm, lọ tương ớt, bộ quần áo, cái cày, cái cuốc, máy bơm nước, thậm chí là các tài sản giá trị lớn hơn như xe máy, tivi, tủ lạnh, ... trên các sàn TMĐT.
Khó khăn của người nông dân là không bán được sản phẩm của mình trực tiếp tới người tiêu dùng và vì thế mà giá nông sản đã thấp nhưng người nông dân thu về còn thấp hơn. Khó khăn của người nông dân là bán quả chuối trong vườn nhà mình không khác gì quả chuối ở bất kỳ đâu, tức là quả chuối không xuất xứ và không thương hiệu và vì thế mà giá rất thấp. Khó khăn của người nông dân là đã nghèo nhưng mua con giống, mua phân bón không biết có đúng giá, đúng chất lượng không. Khó khăn của người nông dân là quả chuối ngàn đời vẫn là quả chuối và do vậy mà giá không tăng được, nhưng những sản phẩm khác thì đổi mới không ngừng với những chất lượng mới và do vậy mà giá tăng lên.
Một sàn TMĐT cho bà con nông dân có thể giải quyết được các khó khăn trên. Sàn này kết nối được mọi người nông dân và mọi người tiêu dùng. Bà con đưa được sản phẩm của mình lên sàn. Từ đó mà, sản phẩm của mỗi mảnh đất có thương hiệu riêng, có xuất xứ, không bị làm giả, giá trị của quả chuối còn có giá trị của nắng, của gió nơi ấy, còn có giá trị của đất nơi ấy, giá trị của giống chuối, còn có giá trị của chăm sóc, cách trồng cây của từng gia đình. Vậy là quả chuối không còn là quả chuối nữa, mỗi quả chuối của mỗi cây chuối, của mỗi gia đình nông dân có sự khác biệt, có đời sống riêng, có giá trị duy nhất. Chúng ta - người tiêu dùng không chỉ là ăn quả chuối mà còn là ăn cái nắng, cái gió, cái chất đất nơi ấy và cả tình cảm của người nông dân ấy, và vì vậy mà giá không còn giống nhau nữa.
Sàn này kết nối bà con nông dân với các nhà cung cấp con giống, phân bón.
Sàn này đảm bảo chất lượng con giống, phân bón, có xuất xứ không bị làm giả, giá cả thì cạnh tranh. Các công nghệ, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã hoàn thiện những sàn TMĐT như vậy cho bà con nông dân. Các doanh nghiệp bưu chính nước nhà cũng đã có đủ hạ tầng, công nghệ và khả năng để đưa sản phẩm nông sản đến từng hộ gia đình trên toàn quốc, dù có là một gia đình ở nơi xa nhất thì cũng không quá hai ngày, và do vậy mà vẫn đảm bảo chất lượng, nông sản vẫn còn tươi.
Nhờ có các sàn TMĐT, một nền tảng của nền kinh tế số, sản phẩm do người
nông dân làm ra được nhanh chóng tiếp cận thị trường; giá cả được minh bạch công khai; việc kiểm tra, giao nhận nông sản sẽ thuận tiện; nông sản của nông dân Việt Nam có cơ hội vươn ra thị trường thế giới; thu nhập của người nông dân tăng lên....
Lợi ích từ sàn TMĐT cho người dân của xã trong vai trò là người mua:
► Có nhiều lựa chọn hơn về sản phẩm, dịch vụ. Khác với mua sắm trực tiếp là: ở làng, thôn, bản chỉ có 1, 2 cửa hàng tạp hóa, cả thôn chỉ có 1 cái chợ, thậm chí họp theo phiên, chỉ có hơn chục sạp hàng, hàng hóa thiếu thốn; thì mua sắm trên các sàn TMĐT có hàng trăm, hàng nghìn người bán tất cả các loại mặt hàng theo nhu cầu, được phân loại rõ ràng, hình ảnh bắt mắt, giá cả công khai dễ dàng so sánh. Chỉ cần vào ứng dụng được cài đặt trên điện thoại kết nối mạng, người dân dễ dàng chọn thực phẩm theo từng nhóm như: nhóm hàng thực phẩm, nhóm đồ dùng gia đình, nhóm hàng nông cụ, ... và hàng hóa mình cần và chọn phương thức thanh toán. Sản phẩm có đầy đủ thông tin nguồn gốc, xuất xứ, thậm chí còn được khuyến mãi.
► Mua được hàng với giá thấp hơn. Người dân hoàn toàn được so sánh giá cả của mặt hàng mình cần mua giữa các người bán, không lo mặc cả, giá “hớ”, từ đó tìm được mức giá phù hợp nhất cho sản phẩm.
► Hàng hóa được giao đến tận tay nhanh chóng, không phải mất công di chuyển đến tận nơi.
Lợi ích từ sàn TMĐT cho người dân trong vai trò là người bán:
Ngoài các lợi ích như: thị trường lớn, bán cho nhiều người mua ở khắp mọi nơi
trên cả nước, nước ngoài, ... Sàn TMĐT thậm chí còn là phao cứu sinh đối với các hợp tác xã, hộ sản xuất, nông dân nhất là trong thời điểm dịch Covid.
Thanh toán số
Thanh toán số/thanh toán điện tử hiểu đơn giản là thanh toán mà không dùngtiền mặt, được tiến hành thông qua các công cụ thanh toán chỉ với một vài thao tácđơn giản. Công cụ sử dụng để thanh toán điện tử là: Thẻ/tài khoản ngân hàng, điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng của ngân hàng mở tài khoản, ví điện tử, ... Mỗi người dân đều có thể tiến hành giao dịch và thanh toán, chuyển, nhận tiền trên môi trường mạng. Và thuận lợi nhất nếu thanh toán được qua điện thoại di động.
Lợi ích/Xưa-nay
Người dân ở xã thì thanh toán số cái gì? Chi phí gì mà gần gũi nhất, thường ngày nhất, nhà nào cũng phải thực hiện, được giao dịch nhiều nhất thì thực hiện thanh toán điện tử bắt đầu từ dịch vụ/chi phí đó. Những cái đó chính là: học phí, viện phí, mua đồ tạp hóa, mua đồ ăn, thậm chí là trả tiền cốc nước trà đá vỉa hè, ...
Các lợi ích dễ dàng nhận thấy của thanh toán số bao gồm:
► Giao dịch tiện lợi.
► Giao dịch nhanh chóng.
► Giao dịch an toàn, bảo mật, tránh các rủi ro của giao dịch tiền mặt.
► Dễ dàng quản lý chi tiêu.
► Thanh toán linh hoạt.
Để thấy rõ lợi ích của hoạt động thanh toán số mang lại, chúng ta tiếp cận ngay từ việc ứng dụng thanh toán số vào các dịch vụ cơ bản nhất của người dân như sau:
Thanh toán học phí không dùng tiền mặt
Lợi ích/Xưa-nay:
Cảnh tượng/tình trạng thường diễn ra là: hàng tháng, phụ huynh học sinh phải“chầu chực”, tranh thủ giờ đưa đón để đóng tiền học cho con do nhà trường quy định đóng tiền vào một ngày và khung giờ cụ thể. Rồi phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ theo thông báo của trường; Xếp hàng, đợi, nộp tiền mặt và ký nộp. Cũng có nhiều phụ huynh bận rộn mà quên đóng học phí, thậm chí có trường còn phạt chậm đóng.
Giờ đây, áp dụng thanh toán học phí không dùng tiền mặt, việc thu – nộp học phí trở nên tiện lợi, đơn giản, nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi, phụ huynh ngồi làm việc ở cơ quan chỉ cần bằng vài thao tác trên điện thoại hoặc máy tính là thanh toán được tất cả các khoản phí, học phí cho con trong vòng chưa đến 3 phút.
Ở thành phố thì đa số người dân ai cũng có từ 1 đến 2 thẻ ATM để giao dịch và thanh toán điện tử. Trường học nào cũng có tài khoản ngân hàng nên chỉ cần nhà trường cung cấp thông tin thì phụ huynh có thể thanh toán bất cứ khi nào với nhiều hình thức thuận đa dạng (quẹt thẻ, chuyển khoản, ...). Ở vùng sâu, vùng xa, phụ huynh có thể sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là chuyển khoản, ...
Hiện nay, nhiều ngân hàng Việt Nam đã triển khai các dịch vụ ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, từ thành thị tới nông thôn. Nổi bật nhất là nhóm các ngân hàng Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB Bank. Các dịch vụ và tiện ích:
- Mobile banking với các Apps được cài đặt trên điện thoại thông minh, Thanh toán bằng mã QRCode.
- Liên kết với các ví điện tử (momo, Grappay, ZaloPay, ViettelPay, ...) thực hiện thanh toán trực tuyến;
- Các dịch vụ ngân hàng khác không cần giấy tờ, không cần chữ ký và không cần chi nhánh, hỗ trợ khách hàng bằng công nghệ AI, tự động. Hiểu một cách đơn giản các dịch vụ số của ngân hàng là: với 1 chiếc điện thoại di động thông minh, được cài đặt ứng dụng di động của ngân hàng thì người dùng sẽ dễ dàng thao tác thực hiện các dịch vụ ngân hàng như: mở tài khoản, chuyển tiền, nạp tiền, thanh toán, gửi tiết kiệm, ... mà không phải tới quầy/trụ sở/địa điểm giao dịch của ngân hàng, không phải ký giấy tờ. Các giao dịch thực hiện trên điện thoại di động nhanh chóng chỉ với vài thao tác đơn giản, hoàn toàn bảo mật.
Nông nghiệp số
Nông nghiệp số hiểu một cách đơn giản là nông nghiệp dựa trên công nghệ số và dữ liệu số.
Lợi ích/Xưa-nay
Người nông dân truyền thống đi chợ địa phương để mua thuốc trừ sâu và các loại phân bón hoá học, nhưng các đại lý thường mua bị hết sản phẩm cần mua nên người nông dân không thể mua được các loại hàng mà mình mong muốn. Vì vậy chuyển đổi số, kinh tế số nông nghiệp là: người nông dân lên sàn TMĐT và tìm kiếm cửa hàng chuyên bán hoá chất cho nông nghiệp, nhanh chóng tìm được và đặt hàng chính xác loại hoá chất với mức giá rất hợp lý so với các đại lý thường mua; sau đó thanh toán và chọn nhận hàng tận nhà mà không cần phải đi lấy.
Người nông dân truyền thống sử dụng công cụ thô sơ, sẵn có của mình để phục vụ canh tác, giờ đây chuyển đổi số, kinh tế số nông nghiệp là người nông dân lên sàn TMĐT hoặc các nền tảng số để đặt mua, thuê nông cụ, máy móc dễ dàng và được giá hợp lý.
Mùa sâu bệnh đến đã phá hoại một mảng rau của người nông dân trước khi kịp mua và phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, vì vậy chuyển đổi số, kinh tế số nông nghiệp là: người nông dân nhận được thông báo từ ứng dụng tư vấn trồng trọt, cung cấp thông tin dịch sâu bệnh có khả năng ảnh hưởng đến khu vực canh tác của mình trong một vài tuần tới và khuyến nghị một số phương án phòng chống dịch bệnh để tránh thiệt hại vụ mùa. Khi thu hoạch, người nông dân truyền thống khẩn trương tiến hành cất giữ nông sản vào nhà kho nhỏ hẹp của mình,vì vậy chuyển đổi số, kinh tế số nông nghiệp: người nông dân nhận được thông báo từ ứng dụng tư vấn trồng trọt nhắc thời điểm thu hoạch tối ưu dựa trên dự báo giá và độ chín đo đạc được của cây trồng. Người nông dân truyền thống canh tác, sản xuất bằng cách thủ công, trông trời trông đất trông mây, phụ thuộc thời tiết, vì vậy chuyển đổi số, kinh tế số nông nghiệp là: sử dụng các công nghệ như: phun tưới tự động, đo nhiệt độ đất, không khí, nước để điều chỉnh cho cây trồng, vật nuôi, lắp đặt hệ thống camera giám sát, phần mềm điều khiển từ xa kiểm soát nhiệt độ, thức uống trong trang trại. Nhờ công nghệ này mà thậm chí ngồi ở Hà Nội, cách xa trang trại hàng nghìn cây số, người nông dân vẫn chăm lo được cho đàn lợn, đàn gà, vườn cây của mình.
Truy xuất nguồn gốc bằng nền tảng công nghệ
Định nghĩa/Cách hiểu
Ví dụ, khi chúng ta mua một miếng thịt lợn, chỉ cần dùng điện thoại quét mã số được gắn trên miếng thịt, sẽ hiện ra tất cả các thông tin theo chuỗi như: miếng thịt từ lô lợn nào, do đơn vị/trang trại/gia đình nào chăn nuôi, con lợn đó ăn thức ăn gì, sử dụng thuốc gì, vào thời điểm nào, con lợn được mổ khi nào, tại lò mổ nào, có giấy chứng nhận gì... hay những thông tin giao dịch (ngày xuất chuồng, sản xuất, đóng gói, hạn sử dụng...). Tất cả thông tin này đều được ghi nhận nhật ký theo thời gian thực, ngày giờ với con số rõ ràng nhờ sử dụng nền tảng công nghệ. Đó chính là truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ.
Lợi ích/Xưa-nay:
Trước đây, khi đi chợ, việc chọn mua mớ rau nào, miếng thịt nào đều bằng cảm quan (mớ rau còn xanh, miếng thịt còn đỏ, con cá còn bơi...) hoặc hỏi người bán “rau này có phun thuốc không?”, “thịt này có tăng trọng không?, .... Thông tin phụ thuộc một chiều do người bán đưa ra.
Trước đây, khi có vụ ngộ độc thực phẩm, các thông tin thường truy ra được là: ngày giờ nào ăn ở đâu? Ăn món gì? hầu hết không có thông tin chi tiết về thực phẩm được chế biến. Nguồn gốc thực phẩm?
Trước đây khi cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra hàng hóa, thực phẩm, chỉ dựa trên ghi chép trong sổ của người bán, người sản xuất. Khó có thể kiểm chứng được các thông tin ghi chép đó có chính xác không? Có đúng thực tế không?
Giờ đây, khi ứng dụng nền tảng công nghệ truy xuất nguồn gốc, tất cả các thông tin trong chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối một sản phẩm đều được theo dõi, giám sát, ghi nhận trên nền tảng công nghệ, không thể chỉnh sửa, làm giả mạo.
Truy xuất nguồn gốc sản phẩm bằng công nghệ giúp:
► Người bán khẳng định được chất lượng sản phẩm do mình cung cấp, nâng cao/bảo vệ thương hiệu, uy tín trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng lo lắng về nguồn gốc, chất lượng của những gì họ ăn, những gì họ dùng, những gì họ mua.
► Giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng kiểm tra, xác thực được tính chính xác trong quản lý chất lượng hàng hóa, quản lý được vấn đề gian lận và làm giả hàng hóa, thực phẩm, truy cứu sản phẩm và trách nhiệm khi có những sự cố xảy ra.
► Giúp người mua kiểm tra chất lượng sản phẩm một cách hiệu quả, đầy đủ thông tin, nhanh chóng.
Phát triển sản phẩm OCOP thông qua thương mại điện tử.
Lợi ích/Xưa-nay
Trước đây, các sản phẩm OCOP của địa phương chủ yếu được bàn bán tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm của địa phương, hoặc tại các siêu thị, quầy hàng, ít người biết đến. Mua bán qua kênh trực tiếp, phụ thuộc vào địa điểm bán hàng, đơn vị vận chuyển do đó mức tiêu thụ không lớn. Giờ đây, sàn TMĐT là kênh bán hàng mới, hiệu quả, giúp đưa các sản phẩm OCOP của địa phương vươn xa ra thị trường rộng lớn.
Xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu của địa phương trên
không gian mạng/thông qua nền tảng số.
Định nghĩa/cách hiểu:
Thương hiệu" của địa phương chính là các dấu hiệu để nhận biết, phân biệt và ghi nhớ sản phẩm/doanh nghiệp của địa phương trong tâm trí người tiêu dùng. Thương hiệu giúp tạo ra sự khác biệt, đồng thời khẳng định uy tín, danh tiếng, sứ mệnh của sản phẩm/doanh nghiệp của địa phương trên thị trường.
Hình ảnh, thương hiệu của địa phương thường được tạo nên bởi thương hiệu
văn hóa của địa phương, thương hiệu điểm đến (du lịch), thương hiệu sản phẩm/sản vật của địa phương. Xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu của địa phương trên môi trường số là việc ứng dụng công nghệ, nền tảng số để xây dựng hình ảnh, quảng bá, truyền thông cho thương hiệu của địa phương trên môi trường mạng.
Lợi ích/Xưa-nay:
Trước đây, các hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu của từng
địa phương chủ yếu được thực hiện qua quảng cáo trên truyền hình, qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành, các chiến dịch xúc tiến thương mại của các ngành.
Ngày nay, việc ứng dụng công nghệ số vào khâu quảng bá, phân phối và tiêu
thụ sản phẩm được triển khai mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhất là trong bối cảnh dịch
COVID-19. Công nghệ số giúp tiết kiệm được chi phí quảng bá, tạo nền tảng để đánh giá dịch vụ, sản phẩm một cách thuận tiện, xây dựng các hội chợ thực tế ảo, giới thiệu, chào bán thường xuyên các sản vật, mặt hàng nông sản của từng địa phương một cách lâu dài. Trong quảng bá thương hiệu điểm đến, trước đây, cách quảng bá thông qua báo chí, tờ rơi hay mạng xã hội, video... phần nào đáp ứng được nhu cầu tham khảo điểm đến, nhưng đòi hỏi của du khách ngày càng cao. Họ thích những trải nghiệm thật và chi tiết trước khi quyết định một chuyến đi. Công nghệ thực tế ảo ra đời đã đáp ứng được nhu cầu này. Khác với trang web thông thường, website công nghệ 3D giúp người xem có những trải nghiệm thực tế như đi lại, tham quan, tương tác với địa danh... khiến họ hứng thú tìm hiểu địa điểm chưa từng đến hoặc đang tham khảo.